Và giờ đây chuyện rằng, vào năm thứ bốn mươi ba dưới chế độ các phán quan, không có sự tranh chấp nào xảy ra trong dân Nê Phi ngoại trừ có một chút ít kiêu ngạo trong giáo hội khiến gây ra những phân tranh nhỏ với nhau trong dân chúng, nhưng những việc này đã được dàn xếp xong vào cuối năm thứ bốn mươi ba. Và không có sự tranh chấp nào xảy ra giữa dân chúng trong năm thứ bốn mươi bốn, và luôn cả năm thứ bốn mươi lăm cũng không có sự tranh chấp đáng kể.
Và chuyện rằng, vào năm thứ bốn mươi sáu, phải, có nhiều tranh chấp và ly khai, mà qua đó một số rất đông dân chúng đã bỏ xứ Gia Ra Hem La ra đi, và họ đã đi lên xứ phía bắc để thừa hưởng đất ấy.
Và họ đã hành trình rất xa xôi, cho đến khi họ tới được một nơi có nhiều ao hồ rộng lớn và nhiều sông ngòi. Phải, và họ đã sống rải rác khắp nơi trên xứ ấy, họ đến bất cứ nơi nào không tiêu điều và không bị đốn trụi hết cây cối, vì có nhiều dân cư trước kia đã thừa hưởng xứ ấy.
Và giờ đây không có phần đất nào tiêu điều, ngoại trừ rừng cây, nhưng vì sự tàn phá lớn lao của những người dân trước kia đã ở trên xứ ấy gây ra, nên nó được gọi là hoang vu. Và chẳng còn bao nhiêu rừng cây trong xứ, tuy nhiên những người dân đến định cư ở đây rất thành thạo về cách sử dụng xi măng nên họ đã xây nhà xi măng để trú ngụ.
Và chuyện rằng, họ đã sinh sôi nẩy nở và sống lan tràn, họ đi từ xứ phía nam lên đến xứ phía bắc, và sống lan tràn đến đỗi họ đã bắt đầu bao phủ cả mặt đất, từ biển phía nam đến biển phía bắc, và từ biển phía tây qua biển phía đông.
Và dân chúng ở trong xứ phía bắc đều sống trong những lều vải và trong những nhà làm bằng xi măng, và họ để cho bất cứ loại cây cối nào có thể mọc lên trên mặt đất, cho đến lúc họ có gỗ xây cất nhà, phải, xây cất các thành phố, các đền thờ, các nhà hội, các thánh đường, cùng tất cả mọi kiến trúc khác của họ.
Và chuyện rằng, vì cây gỗ quá hiếm ở trong xứ phía bắc ấy, nên họ phải vận tải rất nhiều gỗ lên trên ấy bằng đường thủy. Và nhờ vậy mà dân chúng ở xứ phía bắc mới có thể xây cất nhiều thành phố bằng gỗ và xi măng. Và chuyện rằng, có nhiều người dân Am Môn, nguyên trước kia gốc người La Man, nay cũng đến sống trên xứ này.