Nhưng này, đây là một thời kỳ khẩn trương cho những cuộc tranh chấp như vậy xảy ra giữa dân Nê Phi; vì này, A Ma Lịch Gia đã lại khích động lòng dân La Man nổi lên chống dân Nê Phi; và hắn đang quy tụ quân lính khắp nơi trong nước và võ trang cho họ, cùng chuyên tâm chuẩn bị chiến tranh; vì hắn đã thề sẽ uống máu Mô Rô Ni. Nhưng này, chúng ta sẽ thấy rằng lời hứa của hắn thật liều lĩnh, tuy nhiên, hắn đã chuẩn bị cho hắn và cho các đạo quân của hắn sẵn sàng đến gây chiến với dân Nê Phi.
Giờ đây những đạo quân của hắn không được đông đảo bằng lúc trước, vì có nhiều ngàn quân đã bị bàn tay của dân Nê Phi giết chết; nhưng mặc dù có sự tổn thất lớn lao ấy, A Ma Lịch Gia vẫn tụ tập được một đạo quân đông đảo đáng kể, đến đỗi hắn không còn sợ hãi để đi xuống xứ Gia Ra Hem La.
Phải, chính A Ma Lịch Gia đã thân chinh dẫn đầu dân La Man. Và lúc đó nhằm năm thứ hai mươi lăm dưới chế độ các phán quan; và cũng chính trong lúc đó dân chúng đã bắt đầu giải quyết các vấn đề tranh chấp về vị trưởng phán quan Pha Hô Ran.
Và chuyện rằng, khi những người được gọi là bảo hoàng nghe tin dân La Man đang tiến xuống gây chiến với họ, họ đã vui mừng trong lòng, và họ từ chối không chịu cầm khí giới, vì họ rất tức giận vị trưởng phán quan, và còn giận luôn cả những người tự do nữa, nên họ không chịu cầm khí giới để bảo vệ xứ sở mình.
Và chuyện rằng, khi Mô Rô Ni trông thấy vậy, và hơn nữa ông còn trông thấy dân La Man đang tiến vào biên giới xứ sở, ông quá đỗi tức giận cho sự ngoan cố của những kẻ mà ông đã chuyên tâm làm việc để bảo tồn; phải, ông vô cùng tức giận; tâm hồn ông tràn ngập sự giận dữ đối với họ.
Và chuyện rằng, dựa trên tiếng nói của dân chúng, ông gửi lên vị cai trị trong xứ một thỉnh nguyện thư, mong vị này sẽ đọc và ban cho ông (Mô Rô Ni) quyền hành để bắt buộc những kẻ ly khai đó phải bảo vệ xứ sở của mình, bằng không thì sẽ xử tử họ. Vì mối quan tâm trước nhất của ông là làm sao chấm dứt được những cuộc tranh chấp và những sự bất hòa trong dân chúng; vì này, từ trước tới nay những điều ấy là nguyên nhân của tất cả mọi sự hủy diệt của họ. Và chuyện rằng, điều này đã được ban cho theo như tiếng nói của dân chúng.
Và chuyện rằng, Mô Rô Ni ra lệnh cho quân ông đi đánh những người bảo hoàng đó, để hạ tính kiêu hãnh và vẻ quý tộc của họ xuống, và đánh ngã họ xuống đất, hoặc là họ phải cầm khí giới và hỗ trợ chính nghĩa tự do.
Và chuyện rằng có bốn ngàn người trong nhóm những người ly khai này bị gươm chém ngã; và những kẻ cầm đầu bọn họ, nếu không bị giết trong trận đó thì cũng bị bắt bỏ vào ngục thất, vì lúc đó không có thì giờ để xử họ.
Và số những kẻ ly khai còn sót lại, vì sợ bị đánh gục dưới lưỡi gươm nên đành phải quy hàng dưới lá cờ tự do, và bị bắt buộc phải thượng cờ tự do trên các tháp cao hay các thành phố của họ, và họ phải cầm khí giới để bảo vệ xứ sở của mình.
Và như vậy là Mô Rô Ni đã diệt trừ được những người bảo hoàng ấy, đến đỗi không còn một người nào có thể gọi là bảo hoàng nữa; và như vậy là ông đã chấm dứt được sự ngoan cố và tính kiêu hãnh của những kẻ tự xưng mình có máu quý tộc; họ bắt buộc phải tự hạ mình như các đồng bào của họ, và phải anh dũng chiến đấu cho nền tự do của họ khỏi rơi vào vòng nô lệ.